Press ESC to close

KẾT NỐI

Mặt trăng không từ bỏ trái đất cho dù cả hai luôn luôn chuyển động. Nó giữ nguyên sự gắn kết lâu đời để hàng tháng chúng ta nhìn lên trời và thấy tròn khuyết. Mất đi kết nối này, trái đất sẽ quay nhanh lên bởi làm gì còn thủy triều nữa? Sẽ có nhiều thay đổi và trái đất không còn như bây giờ. Không còn nhiều thứ chứ không đùa đâu.
 
Chúng ta cũng vậy, tồn tại trong thế giới khắc nghiệt hỗn độn và được giữ lại trong cuộc sống bằng rất nhiều kết nối.
 
Đầu tiên và nguyên thủy nhất, đó là với tự nhiên. Không khí để thở, nước để uống, thực phẩm để ăn… tất cả đều từ thiên nhiên mà ra. Nói cách khác, con người “tiêu thụ” tài nguyên của hành tinh này. Cho đến khi nỗi hoảng sợ về sự cạn kiệt bùng lên, chúng ta vội mượn trí khôn của mình để triết tách, tổng hợp ra… những tài nguyên thiết yếu ấy. Nhưng lấy nguyên liệu từ đâu nếu không phải cũng chính từ tự nhiên? Trái đất này có suy kiệt thì cũng do con người bỏ đi sự tôn trọng, lòng biết ơn, nghĩa là từ bỏ kết nối với Người Mẹ của muôn loài. Không nghe, không thấy và không hiểu, rằng chúng ta cũng là thiên nhiên. Chúng ta sinh ra ở trong hệ sinh thái, chứ không sinh ra ở bên ngoài.
 
Thứ hai là những kết nối xã hội. Ngoài những người sống cô độc, lánh đời… thì ai cũng có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Về cơ bản những kết nối trong một gia đình đi theo chúng ta suốt đời. Nhưng không như mặt trăng và trái đất, sự liên kết người-người không tồn tại bằng văn bản, bằng định nghĩa, mà bằng sự có mặt của ta trong mối quan hệ ấy. Chúng ta không thể thân cận với một người mà không hiện diện trong cùng một không gian và thời gian. Nói như thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Làm sao ta yêu một người nếu ta không ở đó?”. Vậy thì để “ở đó” chúng ta cần gì? Vài thứ, nhưng quan trọng là thời gian, cần đầu tư thời gian. Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận nếu ai đó dành thời gian cho mình thì đấy mới là đáng quý vì thời gian của họ là hữu hạn và không thể làm ra được như tiền.
 
Người ta nói rằng: “Mất kết nối với tự nhiên chúng ta suy tàn, mất kết nối với xã hội chúng ta cô đơn, còn mất kết nối với chính mình, chúng ta lạc lối”. Nghe sợ chưa? Nhưng cái gì là kết nối với chính mình? Chả có gì to tát cả, nó chính là câu châm ngôn thời nay người ta nhắc đi nhắc lại: “Hãy lắng nghe trái tim, hãy làm việc bằng khối óc, hãy để tâm hồn được tự do” v.v… Nhưng làm sao để được như thế? Chúng ta lại quay về vấn đề xưa cũ: nghe, thấy, cảm, hiểu… Giống như nói chuyện với mẹ, giống như nói chuyện với bạn, thậm chí như một người dưng gặp nhau một lần, chúng ta phải nói chuyện với bản thân mình.
 
Một trong những tranh luận khá rôm rả là: “Đi làm để sống hay sống để đi làm?”. Nhìn thẳng vào xã hội xung quanh, chúng ta thấy quá nhiều người phải đi làm. Số lượng đông đảo, mà về bản chất, gần như toàn bộ, gồm cả những cháu thiếu niên chưa đến tuổi và các cụ đã quá tuổi. Không những làm, mà còn làm nhiều: từ việc hàng ngày, việc thêm giờ đến việc tay trái… tất cả chỉ vì cuộc sống. Làm để sống. Chi phí sinh hoạt, nhà cửa, con cái, thú vui hay sự nghiệp… tất tần tật cần tiền. Mà không tiền thì cũng là “dịch vụ” tương đương. Thế nên đoàn người rầm rầm lao vào thị trường lao động, tìm cách kiếm tiền, tạo ra vật chất, tạo ra dịch vụ. Lao động là vinh quang cơ mà? Không lao động mày chết chắc, ăn bám, tàn phá xã hội. Lao động là đóng góp cho xã hội cơ mà? Không lao động thì loài người sao phát triển đi lên được như ngày nay.
 
Nói đúng rồi đấy. Nghèo đói thật thảm hại, tương lai thì chưa biết thế nào nhưng cũng đáng sợ nếu bệnh tật, bất trắc. Thế nhưng, cái giá phải trả cho chăm chỉ, tận lực đó là chúng ta sẽ ngày càng ít thời giờ rảnh rỗi. Có người sau giờ lao động chỉ đủ sức làm những việc cơ bản, liếc qua mọi người trong nhà, ăn uống, vệ sinh rồi ngủ. Không còn thời gian cho mình thì lấy gì để duy trì kết nối? Xa cách với bạn bè đã đành, ngay cả vợ chồng con cái cũng có thể bị xao nhãng. Không phải vì không muốn, mà căn bản không còn thời gian và tâm tư.
 
Một tranh luận nữa cũng nảy lửa không kém là: Những nơi có nhiều ngày nghỉ lễ thì cuộc sống tốt đẹp hơn hay không? Xét về mặt xã hội, mỗi ngày lễ thường gắn với một văn hóa hoặc một tôn giáo nào đó. Chẳng hạn tôi không theo đạo Phật, vậy tôi nghỉ lễ Phật Đản làm gì? Sao đã nghỉ Tết cổ truyền lại còn nghỉ cả Tết Tây? Nếu tôi đi làm có phải tôi có được thu nhập gấp đôi vào ngày nghỉ đó không? Thực ra, tôi đang giết bớt thời gian rảnh của mình đấy. Mà hệ quả là làm mòn dần các kết nối cần thiết với thiên nhiên, con người và bản thân ta.
 
Hãy nghĩ về thời gian dùng để nghĩ về điều đó, chúng ta cần chút thời gian ấy.
 
Giáng sinh và năm mới đang đến gần, thật đáng mừng vì đó là dịp ta được thư thả, nhìn lại mục đích sống, đi đâu về gần với thiên nhiên, ngồi ấm cúng bên nhau. Mỗi người có không quá 100 lễ Giáng sinh đâu. Đừng kiệt sức, cô đơn và lạc lối.
 
Chúc chúng ta có những ngày lễ và kỳ nghỉ vui vẻ!

*