
Mình hy vọng các bạn của mình ít nhất vẫn hiểu thế nào là số nguyên tố.
Đây, cực đơn giản: chúng là các số chỉ chia hết cho 1 và chính nó. Các số còn lại gọi là “hợp số”.
Những ngày đầu tiên học lập trình máy tính, có một bài cũng cực đơn giản là em hãy tìm các hợp số từ 1 đến 1000. Vì sao? Là do số nguyên tố thì chả dùng làm việc gì vì chúng quá tự kỷ, không chia hết cho ai cả.
Chưa đầy 1 giây máy tính làm xong. Thực ra các số nguyên tố rất ít, mà phần đông là hợp số. Nếu ta liệt kê hết hợp số ra thì còn lại lèo tèo một ít số nguyên tố thôi.
Với logic ấy, ta hoàn toàn có thể “lười” bằng cách liệt kê các số nguyên tố, và tuyên bố các số còn lại đều là hợp số. Thày bảo logic này cũng tốt.
Nhưng tư duy thế về sau thành thói quen có hại.
Em tôi để tóc rất đẹp, nhiều lần. Và mặc váy đẹp, cũng nhiều lần. Nhưng cũng có đôi lần tôi không thích lắm, ví dụ kiểu tóc lò xo.
Bạn nghĩ cách trả lời nào ít bị lườm hơn:
Câu hỏi: Anh thấy tóc mới uốn của em có được không?
Đáp án 1. Em thường có nhiều kiểu tóc đẹp: chấm lưng này, ngang vai này, tém này…
Đáp án 2. Trừ mái tóc lò xo xấu mù này, còn lại đều đẹp.
Cách thứ 2 chính là theo logic lập trình kia vậy.
Vì học như thế, làm lãnh đạo rất khó khăn.
Sực nhớ đến kỳ báo điểm tốt nghiệp PTTH trong mấy năm gần đây, khi 99% các cháu đỗ cả. Cái danh sách ấy dài như thế mà cũng liệt kê hết, tốn giấy, tốn trang web.
Vừa định cười nhạo vì sao không niêm yết số 1% bị trượt và thông báo: ai không có tên thì đã tốt nghiệp. Thế có phải ngắn gọn không? Thậm chí có trường chỉ cần đăng 1 dòng: Em nào đã dự thi đều tốt nghiệp!
Nhưng nghĩ đến mái tóc của em tôi, nhận ra thế mới là logic của lãnh đạo giáo dục.