Press ESC to close

TÁC DỤNG TỪ CỔ QUÁI

Có một việc khá phổ biến và nhàm kinh khủng, xin thưa là ai cũng có lúc bị như thế. Đó là trong một ngày bận rộn, hối hả và lắm chuyện xảy ra, hoặc có khi chỉ là một ngày buồn chán, đầu óc lười hoạt động, ta sẽ hay quên.

Ví dụ, buổi sáng bạn ở trong bếp và đun nồi thịt kho để tối về ăn, xong lại chạy vào sửa soạn túi cặp để đi làm. Đến cơ quan được vài tiếng rồi mới chợt giật thót hốt hoảng: Mình đã tắt bếp chưa ấy nhỉ?

Hoặc thế này, trước khi đi làm, bạn vào phòng và là phẳng phiu quần áo. Là lượt xong rồi chạy ra bếp chuẩn bị đồ ăn sáng. Đang kẹt giữa dòng người ngập phố, bỗng dưng hoảng hồn không biết đã rút điện cái bàn là ra chưa?

Có muôn vàn chuyện lặt vặt như thế, tuy hậu quả nhiều khi chẳng có gì vì bạn đã làm rồi, nhưng những cái giật mình ấy rất tổn thọ, phải không?

Để xử lý vụ việc, ngoài uống thuốc bổ não và luyện trí nhớ ra thì còn có một cách đơn giản không ngờ: dùng từ cổ quái.

Từ “cổ quái” là như nào? Ờ thì nó không phải là từ thông dụng, thường là không hợp lệ và vô nghĩa, ví dụ: đáng lẽ nói “nồi cơm” thì hãy nói “nồi nhọn”, “chổi quét nhà” thì nói “chổi dốc” v.v…

Vì sao? Vì mấy cái từ cổ quái kia tuy vô nghĩa nhưng khi bạn nói ra nó lại rất dễ nhớ. Não bộ của bạn lần đầu tiên làm quen với nó, và vì nó không cũ như các từ khác đã dùng quá nhuyễn, nên sẽ nổi bật, khó quên.

Vậy nên, trước khi bạn tắt bếp, hãy hô lên, chẳng hạn “Nay hầm!”. Rồi tắt bếp đi.

Sau đó, với trách nhiệm của một công dân kiểu mẫu, khi đang trong quán cơm hay trong phòng họp, nếu chẳng may đột nhiên nhớ ra cái bếp ở nhà, không hiểu nó đã tắt hay đang cháy rừng rực, thì hãy cố nhớ xem cái từ cổ quái (“Nay hầm”) kia là gì. Lập tức, bạn sẽ biết rằng khi nhớ ra từ đó nghĩa là bạn đã hô nó lúc sáng và điều đó đồng nghĩa với việc đã tắt bếp rồi. Như thế yên tâm thảnh thơi tiếp tục bữa cơm dinh dưỡng hoặc buổi họp hiệu quả.

P/S: Để không mất tác dụng, mỗi lần hãy sáng tạo một từ khác nhau, không được dùng lại từ cũ.

*