
Trừ người dân ở các vùng xa xôi cách trở, những người sống trong thế kỷ 21 này đều nhận ra một điều rất rõ: chúng ta có khả năng tiếp cận được với hầu như toàn bộ thông tin và tri thức của loài người. Chỉ cần một kết nối internet (và không bị tường nước, tường lửa nào chặn) mà thôi.
Máy tính đã hợp túi tiền, điện thoại thì quá rẻ, các gói thuê bao internet / 3G phổ biến, ngay cả wi-fi cũng được chia sẻ ở khắp nơi từ quán cà phê đến trung tâm mua sắm.
Tự nhiên có ý nghĩ rằng, nếu bỗng nhiên toàn bộ sách giáo khoa môn địa lý bị cháy trên toàn quốc, thì với việc truy cập mạng và tải về đọc, các em học sinh vẫn có đủ kiến thức để biết Việt Nam thuộc ôn đới hay hàn đới, là một nước núi non trùng điệp hay toàn đồng bằng phì nhiêu… Và điều ghê gớm hơn, là nếu tìm tòi thì các em còn học được cả những kiến thức mà ngay các bộ SGK bây giờ cũng không hề có. Tức là trả lời được các câu hỏi khác hơn ngoài vị trí trên bản đồ và thời tiết khí hậu. Toán, lý, hóa… thì khác gì?
Cũng thế, người lớn bây giờ, đã không còn ngồi trên ghế nhà trường, muốn học hỏi về một vấn đề gì đó, một lĩnh vực nào đó, hoàn toàn có thể tra cứu với dư thừa các loại tài liệu tổng quan cũng có, chuyên sâu cũng có luôn. Người ta chia sẻ thì tải về, người ta không chia sẻ thì đào ra.
Theo thống kê, mạng toàn cầu hiện có hơn 4,5 tỷ trang web. Để đọc hết sạch chừng đó thông tin với một người bình thường cần 57 nghìn năm, không tính các post của các mạng xã hội FB hay Twitter (như cái post này).
Như vậy, rõ ràng khi ta “muốn biết” một điều gì, ta tìm kiếm và chắc chắn sẽ chết ngập trong đống thông tin liên quan. Nếu ví von, thì chết đuối vì NGẬP quá đầu.
Ta bơi. Nhưng dòng thác càng vũ bão hơn, bởi vì nếu như xưa kia, việc tạo một trang web cần một chút kỳ công, thì ngày nay, với FB hay Twitter bạn chỉ cần gõ bàn phím như gõ máy chữ. Việc hàng trăm triệu người ngày đêm viết viết, chia chia, sẻ sẻ khiến thông tin càng thêm phong phú và… rối bời. Bởi vì chỉ cần bạn mới tốt nghiệp PTCS (và chỉ cần thế), biết đánh vần, thì bạn đã là nhà xuất bản. Thậm chí bạn càng viết nhố nhăng, càng âm mưu, càng mờ ảo bao nhiêu, thì bài viết mà bạn “xuất bản” ấy lại càng được nhân rộng và càng nhanh chóng vào danh sách kết quả tìm kiếm bấy nhiêu.
Ví dụ trước mặt bạn là một bàn hải sản thịnh soạn và các món tráng miệng cam, hồng xiêm, dưa hấu. Chỉ một câu hỏi đơn giản là ăn hải sản xong thì tráng miệng loại quả gì mà không đau bụng? Và bạn bắt đầu tra cứu. Tuy nhiên, mỗi người một phách, chọn một loại quả vì họ bảo đã ăn thế rồi và không phải chạy đi đâu hết. Có FBker còn nói là loại nào ăn vào cũng gây khó tiêu, bỏ đi đừng ăn. Còn người khác, sau khi trích dẫn khoa học từ khắp nơi thì bảo: ăn quả gì mà chả được, lắm chuyện.
Tóm lại, quyết định vẫn là của bạn, và theo cảm tính thì cái nào nghe có vẻ tốt nhất, phù hợp với mớ kiến thức hạn chế (hoặc vô tận) của bạn thì bạn theo.
Giá chỉ có một đáp án “phù hợp” thì thôi, nhưng khi có quá 2 cái, bạn sẽ do dự. Do dự dẫn đến hoài nghi. Bởi vì có nhiều cái đúng với số đông, nhưng khi áp dụng vào bản thân lại gây hại khủng khiếp. Và bạn không dám ăn.
Đấy là một ví dụ manh mún về một vấn đề lặt vặt. Hãy nghĩ đến những cái lớn hơn xem: Chọn người yêu phải lưu ý gì? Đầu tư chứng khoán thế nào cho đúng? v.v… Có phải chúng ta giờ quá phụ thuộc vào tri thức của người khác không? Nhiều người còn siêu hơn: Thôi kệ, tôi dùng “linh tính” để chọn!
Vậy đâu là tri thức đúng, đâu là sự thật, đâu là sự thông thái trong cái mớ thông tin khổng lồ đó? Bạn sẽ không dùng linh tính để chọn, cũng không dám chọn bừa câu trả lời, và như thế bạn không dám “ăn” vào. Cuối cùng, bạn ĐÓI.
Cho nên như đã nói, NGẬP nhưng vẫn ĐÓI là vậy.
*