
Trong một lần trà dư tửu hậu, có một bác người Mã Lai là chuyên gia đào tạo văn hóa doanh nghiệp mới bảo bọn tôi là các cậu có biết cái gọi là “thế hệ bánh kẹp” (tiếng Anh là Sandwich Generation) không?
Tôi hỏi có phải là những đứa trẻ thời nay ham ăn McDonald với KFC không thì bác cười bảo không phải. Về mặt thực tế, đó là một cặp vợ chồng đi làm để nuôi con cái và cả cha mẹ nữa, ví von rằng các bậc phụ huynh là tầng bánh trên và con cái là tầng bánh dưới, còn mình là phần nhân ở giữa, bị “kẹp” chặt từ hai phía mà không thể bỏ lớp bánh nào cả.
Minh họa như thế cũng đủ để hình dung “sức ép” dành cho lớp nhân bánh, ngoài chuyện tiền-tiền ra còn là thời gian dành cho hai lớp vỏ bánh kia, mà bạn biết đấy, thời gian với tầng lớp đi làm chính là tiền, đa số bán thời gian để lấy tiền phải không?
Vì thế bác, như một vị lãnh tụ từng trải, chúc mừng các cậu chưa có gia đình và đi làm xa nhà. Cha mẹ các cậu đã cho các cậu độc lập, vả lại còn chưa vợ bìu con ríu, như thế là giai đoạn tự do và nhẹ nhõm nhất trong đời còn gì? Lúc này các cậu mà không học hành, tu dưỡng để tỏa sáng thì còn chờ khi nào nữa?
Như vợ chồng bác khi ấy, gia đình có 2 đứa con học trung học và tiểu học, sống cùng với mẹ và người cha bị bệnh Alzheimer, khá điển hình trong xã hội, tất nhiên trừ cái bệnh quái ác kia.
Thời bình thì chúng ta cũng biết là những cặp vợ chồng ấy đã đủ stress rồi vì cuộc sống xoay vần, bao nhiều điều xảy ra, bao chuyện phải giải quyết, bao nhu cầu phải thỏa mãn.
Nhưng đến thời Covid-19, thì tình hình trở nên tệ hại hơn nhiều.
Đầu tiên là lo lắng cho sức khỏe của cha mẹ và con cái, lây hay không lây, triệu chứng hay không triệu chứng… Sau đó là thấp thỏm với tình hình kinh tế, có việc hay không có việc, còn lương hay giảm lương… Và đến bất an xã hội như nhu yếu phẩm, đủ cung ứng hay không đủ cung ứng…
Là phần quan trọng nhất và “khỏe” nhất của bánh kẹp, các anh chị vợ chồng còn chịu được tuy rằng cân bằng tâm lý cũng có phần lệch đi hơn bình thường.
Thế nhưng, tình hình còn ảnh hưởng mạnh hơn khi mọi thứ đảo lộn thêm lên. Cụ bà vẫn thường đi tập thể dục thì do giãn cách xã hội không còn thực hiện được, thở ngắn than dài khi thói quen tốt bị mất. Cụ ông cũng không còn được ra ngoài giao lưu như mọi khi, khó chịu lại hay quát tháo. Đứa con nhỏ học ở nhà lại hay làm phiền vì nó chẳng có ai chơi cùng. Đứa lớn học online lại có điều kiện ôm máy tính chơi game hay chit chat với bạn bè… Một lần nữa, hai lớp bánh của sandwich lại kẹp chặt lấy lớp nhân, buộc họ phải có thêm các vấn đề mới, các xử lý mới mà chưa từng có tiền lệ. Tâm lý bất ổn một lần nữa được đẩy đến ngưỡng của bùng nổ.
Nói như vậy, ngoại trừ vấn đề kinh tế suy giảm thì sức khỏe tinh thần của chúng ta trong đại dịch là quan trọng không kém. Nếu tình hình kéo dài thêm vài tháng hoặc một năm nữa, không khéo tỷ lệ trầm cảm hay khủng hoảng tâm lý sẽ tăng vọt khi từng người từng người đi vượt quá điểm họ có thể chịu đựng được.
Tôi viết dài như thế này chỉ để nêu lên một cảnh báo (mà ai cũng biết) thôi sao?
Đúng vậy, không có cách giải quyết ngon ăn, chỉ có thể tự mình bình tĩnh suy ngẫm thôi.
Rất nhiều người may mắn không phải là thế hệ bánh kẹp, còn độc thân hay cùng lắm chỉ có một lớp bánh là những đứa con. Còn nếu thực sự là nhân bánh, hãy nhớ rằng mình là phần quan trọng nhất của bánh sandwich, cũng là phần ngon nhất và đắt nhất, bỏ ra ngoài thì bánh chỉ là bánh không nhân. Vì thế, niềm tự hào này phải được giữ chặt và phân phối đều.
Như ông Robert Schuller nói: “Tough times don’t last, tough people do!”. Tạm dịch là những “Thời đói kém sẽ không kéo dài, nhưng phải giữ nhân ngon thì bánh kẹp mới có giá!”