
Hắn có một đứa bạn thuở nhỏ ở quê. Nó không chịu lên thành phố đi tìm cơ hội học hành và chỉ quanh quẩn chơi với đám thanh niên lêu lổng trong làng.
Thỉnh thoảng, hắn về quê gặp lại – và mỗi lần sự chậm chạp buồn tẻ của nó càng thể hiện rõ. Cái đứa ngày xưa trẻ trung tiềm năng là thế thì bây giờ trở nên oán thán già nua.
Rõ ràng là những người bạn không chí thú đã níu kéo bước chân của nó trong đời. Điều này cũng có thể xảy ra với bất cứ ai bất cứ đâu.
Ở nơi công sở cũng vậy thôi, tình huống ấy có thể diễn ra khi một người lười nhác tham gia vào đội ngũ những người năng động. Trưởng nhóm nghĩ rằng nhân viên yếu kém đó sẽ học được thói quen tốt từ những người giỏi hơn. Nhưng thường thì điều ngược lại hay xảy ra: thói quen xấu sẽ lan tỏa và làm giảm năng suất của mọi người.
Vì thế ta phải có những người bạn ủng hộ mình, nhờ đó ta mới có những thay đổi tích cực được.
Chọn bạn mà chơi là khôn ngoan chứ không phải ích kỷ hay hợm hĩnh. Một tình bạn, luôn ủng hộ và động viên nhau, có tác dụng song phương: khi bạn cần thì họ có mặt, khi họ có vấn đề bạn sẽ ra tay. Nhờ đó, từng người từng người sẽ thành công như một phần của đội nhóm, dẫn tới những thành tựu chung lớn hơn.
Khi vào đại học, hắn nhập bọn với những người có cùng ý tưởng giúp nhau nghiên cứu cũng như thực hiện những việc khác như làm báo tường hay tổ chức hội diễn văn nghệ. Sẽ biết rằng ta có bạn tốt khi họ không chấp nhận những điều tiêu cực ở ta; họ muốn ta đi lên, họ luôn động viên ta vượt thoát những thứ tồi tệ ấy.
Bây giờ chúng ta hiểu vì sao, bố mẹ thường muốn con học ở chỗ tốt chưa? Sao lại chê họ chạy đua trường chuyên lớp chọn này nọ? Chẳng phải để cạnh tranh ăn thua gì đâu mà chính là muốn con mình được vây quanh bởi những đứa trẻ có tình cảm, có năng lực… tạo dựng cho nó một niềm vui cạnh tranh học tập và một nền tảng bạn bè tốt sau này.
Tất nhiên, phần còn lại chính là chúng ta, hay những đứa trẻ, có thể hiểu và tận dụng được điều đó hay không.