Press ESC to close

CHUYỆN NỢ NẦN (2)

(Tiếp theo kỳ trước)

Lại nói chuyện tôi đi vay. Các bạn biết tôi vay ai không? Là chủ tịch công ty TAM LINH mới nổi (tiếng Ăng-lê là Tam Linh Trading Private Limited) và cũng là ông chú con bà bác của mẹ ông anh họ tôi đấy. (Này, Tam Linh chứ không phải Lam Tinh, đừng trẹo lưỡi rồi bỏ dấu lung tung).

Nếu bạn giỏi như học sinh lớp 5 thì sẽ tính được vai vế kia tôi phải gọi bằng bác mới chuẩn. Lý do chú thân với tôi thì giản dị: bạn của chú không có ai thật như tôi, chuyện gì tôi cũng chia sẻ với chú, kể cả vụ ngày xưa bị bạn gái đè xuống giật tóc bôi son vào miệng mà không kháng cự, lại còn xin lỗi em…

Để tôi bật mí về ông chú cho các bạn nghe, lưu hành nội bộ đừng lan truyền lên mạng nhé.

Cứ mỗi dịp Tết – Rằm, tổ dân phố chỗ tôi đột nhiên có hiện tượng lạ: người người ùn ùn kéo đến, đầu đội nồi canh, tay cầm giấy lộn, hướng về cửa công ty Tam Linh, miệng khấn rì rầm như đọc thần chú. Thấy lạ, tôi quyết làm một cuộc thẩm vấn độc quyền (vấn = hỏi, thẩm thì tôi cứ cho là thấm, tức là hiểu – hỏi để hiểu, hiểu chưa?).

– Chú à, họ đang làm gì thế?

– Họ đang thành kính xin sao tha mạng và phò hộ. Toàn khách hàng của công ty tao đấy. Nhờ họ mà tao có ngày nay. Tam Linh giờ là sờ-tát-ắp hàng đầu của huyện mình, vừa lên sàn trứng rán rồi đấy.

– Ôi chú, không gặp một thời gian mà chú phát nhanh thế? Cháu cũng khởi nghiệp chục lần mà đều thất bại thảm khốc. Chú có bí quyết gì chỉ cháu với?

– Mày định hướng sai thôi. Tao lạ gì dạng mày, cái gì mà công nghệ ứng dụng vị nhân sinh, mày chỉ nhắm đến nhu cầu và tiện ích cho họ, làm sao cạnh tranh ý tưởng với mấy công ty như Nghĩ Bể Đầu được? (Sau mới biết: Bể = Tank còn Nghĩ = Think, lại tiếng Ăng-lô)

– Thế không bán cái người ta cần thì là kiểu gì ạ?

– Nhắm đến nỗi sợ của họ, hiểu chưa? Nhất định thắng! – Chú nói chắc như đinh đóng cột – Để tao nói cho nghe: Nhu cầu thì ai cũng có, tao biết, nhưng con người giỏi bỏ mẹ, họ có thể hạn chế được nhu cầu, thậm chí bỏ được nhu cầu khi cần, ví dụ: có người vì bị chê béo nên họ quyết nhịn đói, có người mê thuốc lào như điếu đổ mà họ cũng cai được vài hôm… Lúc ấy, mày bán thức ăn với thuốc sợi cho ai? Kinh doanh thế rất bấp bênh cháu ạ. Nhưng sự sợ hãi thì khác, không bao giờ hết dù muốn hay không.

– Nhưng sợ gì hả chú? Sợ bệnh đã có thày thuốc, sợ cướp đã có thày đội, sợ dốt đã có thày giáo… – Tôi cãi.

– Thì thế, nhưng mày quên là còn có nỗi sợ cao cấp hơn: sợ các đạo giáo kỳ bí, các ông “hung tinh, cát tinh” và các thần linh ơi. Tao hỏi mày, tự nhiên nếu mày sợ mình không may mắn thì ai chữa cho? Mày sợ năm nay mình startup không thành công, học tài thi phận, cắt giảm biên chế… thì thày nào giúp mày? Vì thế mày phải xin sao trời giúp, hiểu chưa?

– Nhưng cái đạo giáo này tổ dân phố bên cạnh họ nghĩ ra mà, chú đâu phải là người đi đầu?

– He he, mày không uổng công nghiên cứu kinh thư. Chuẩn đấy con, nhưng tao nhìn ra cơ hội ở đất này. Cái tổ dân phố mình đang sống ý, là mảnh vườn màu mỡ cho nó mọc lên nghe con. Nghiên cứu thị trường phải kỹ! Tao hỏi mày:

Ở đâu mà quần chúng có nhiều nỗi sợ hãi như ở đây: người hay va vào xe, phổi hay chui vào bụi, túi hay trốn tránh tiền, người bị đuổi khỏi việc…?

Ở đâu mà họ bị nhồi vào đầu tạp nham như ở đây: triết trong phản ứng hóa sinh, hàm số trong canh tác nông nghiệp, lượng tử trong kinh tế vi mô…?

Ở đây chứ đâu!!! Mày bảo, vừa sợ hãi, vừa rối loạn trí não thì biết tin vào đâu? Chỉ còn đấng cao xanh thôi – Vừa nói chú vừa chỉ lên… cái quạt trần.

(Tôi ngẩn người, chú nói cứ như đang mô tả chính cái thằng đang ngồi trước mặt chú vậy, thảo nào…)

– Còn một việc cháu thắc mắc nữa là chỗ công ty mình trước chỉ là một cái miếu nhỏ với lư hương vỡ, làm sao mọi người lại có thể tin và đến xếp hàng sùng kính đông đến vậy?

– Mày học nhiều nhưng quên mất một điều, nói chuyện kinh doanh thời a-còng là phải nói đến ranh-kinh và ma-kết-tinh. (Xin chớ hiểu là phải “ranh ma một cách kinh khủng”, mà là ranking – xếp hạng). Quan trọng nhất để đáp ứng việc xin xỏ là hai chữ “ứng nghiệm”, hừm… Với những người đội xôi thịt cao hơn đầu và để não ở dưới thì không thể hiểu được sự ảo diệu. Tao chỉ cần bỏ ra mấy lạng bạc vụn cho PI-A là xong. Tung một đoạn cờ-líp đại loại thế này: “Hãy đến với công ty TNHH bán buôn bán lẻ Tam Linh, ai thành tâm dâng hiến đều có thể được 1 trong 3 quẻ: ứng nghiệm nhiều, ứng nghiệm và ứng nghiệm ít”.

– Thiếu chú. Nhỡ không ứng nghiệm thì sao?

– Thì mày chưa đủ lòng thành, lễ lạt xoàng quá, lần sau cần làm lại, to hơn đắt hơn! Thủng chưa con?

– Cháu bội phục toàn phần chú ạ.

===========================

Còn đoạn sau này là riêng tư không nằm trong phần thẩm vấn, kể bonus (tặng thêm) cho các bạn, liên quan đến sờ-ta-tút hôm trước:

– Dạ, hôm nay con đến đây, ngoài việc kính thăm sức khỏe của chú thì còn có lời mong chú… – Tôi e thẹn nói.

– Mịa, mày khách sáo với tao thế? Nhìn bộ dạng rách nát của mày tao biết rồi, vay tiền hả?

– Dạ…

– Ờ… thì… ờ… À may quá, tao đang có ý định chung với mày làm dự án “Một vành đai vài con gà” để chuyển gia cầm mày nuôi sang tao cho nhanh. Mày cứ cầm lấy mấy chục quan tiền này đã, hết tao đưa thêm. Ấy, nhiều gì chỗ này, trả sau, tao không lấy lãi đâu mà sợ. Chỉ cần mày để thằng cháu tao sang đấy xây, thương lắm, nó đang thất nghiệp, lại không có chỗ ở. Yên tâm, chỗ chú cháu mà, không có tiền trả bằng gà cũng được, tao lấy gà còn phân gà mày cứ vứt xuống ao kia cho tao.

Tôi lâng lâng ra về, thầm nghĩ thế là sắp kiến thiết được nhà và xe rồi, không kịp nán lại nghe chú alo tiếp:

– Ê gọi tao hai thằng Quả và Tung về đây. Tung sang xây đường giao liên cho nhà bố thằng Tèo, Quả thì sang thu gom gà nhà nó. Nhớ kỹ là xây thì tà tà và phải kêu thiếu gạch. Gà thì lấy nguyên lông, rồi về mình vặt, xong bán ngược lại gà nuy giá cao nhé. Bọn hay tụ tập trước công ty tao cũng đặt hàng liên tục, he he, chúng dâng lễ xong là mang về chén, một ná bắn mấy chim, há há…