
Nói đến họa tiết là ta nghĩ ngay đến việc trang trí: tường nhà, quần áo… cứ có bề mặt là có thể vẽ lên. Mục đích của trang trí là làm cho đẹp, phải không?
Trong đời sống ta gặp họa tiết với hoa văn khắp nơi nơi, vì bản chất con người là muốn tô điểm mà. Ở những chỗ người ta chán chả buồn trang trí, chẳng hạn như nhà tù, thì ngoài những bức tường trống ra có ai mất công vẽ lên đó không? Chỉ cần nghĩ đến một thế giới trơn tuột trong mọi cái nhìn là đã thấy đơn điệu kinh người rồi. Đấy là lý do tại sao những nơi như vậy thường thấy người ta vẽ bậy, dán hình lung tung lên tường (kiểu graffiti ấy). (Nhân nói về việc này, thuở học sinh, cái mặt bàn của bạn nào trắng tinh chứng tỏ học rất tập trung và chăm chú nghe lời thày giảng!)
Họa tiết có vai trò rất hay. Nó dạy cho chúng ta biết sự tuần tự, sự lặp lại. Đấy là một kỹ năng nhận thức khá quan trọng, nhất là trong toán. À, mà ngoài toán ra, việc đoán trước được “cái tiếp theo” có vai trò không nhỏ, không chỉ trong các trò chơi mà còn ứng dụng trong việc tìm ra những điều bất thường trong công việc nữa. Hoặc rõ ràng nhất là khi học từ vựng tiếng nước ngoài, có nhiều từ được xây dựng theo một phương thức tương tự nhau.
Không hiểu sao mình hay nhìn các họa tiết, như thảm trải trên sàn sân bay, tường nhà người quen, giấy gói quà, cái bàn ngồi uống nước hay… trên váy của người trước mặt. Nhưng nói “không hiểu sao” thì khá buồn cười, vì lý do nó rõ ràng ra đấy: họa tiết kích thích trí não, khác hẳn những thứ mà ta nhận ra nó chỉ có sắc mầu.
Vì thế các họa sỹ, nghệ sỹ, nhà thiết kế… vẫn không ngừng sáng tạo ra những cái đẹp. Mỗi khi nhìn vào, ta lại thấy một nhịp điệu, sự thăng bằng hay cảm giác hài hòa của tâm trí.
Bây giờ quay trở lại tính tuần tự của họa tiết, nếu ta nhìn vào cái váy kia thì một lúc sẽ đi lạc vì hoa văn lặp lại vô tận. Tốt nhất không nhìn váy, giờ bạn thử nhìn trên hình đầu tiên xem cái họa tiết ở trong ô có mã F sẽ như nào?
*
