
Người được gọi là có chỉ số IQ cao là người như thế nào? Chúng ta vẫn hiểu nôm na rằng, họ trả lời đúng được những câu hỏi khó, họ giải được các bài toán hóc búa và xử lý tốt những vấn đề nan giải.
Khả năng này chủ yếu là nhờ bộ não. Ngoài chức năng tổng hợp, phân tích, lý giải và ra quyết định, vấn đề thiết yếu nhất của một người có IQ cao lại chính là sự thu thập và phản ứng với các yếu tố đầu vào.
Không có sự kích thích của các con số, các sự kiện và diễn biến, thì không thể có giải pháp hợp lý được. Vì thế, họ thực sự nhạy bén với những gì diễn ra có liên quan và thậm chí cả những chuyện chẳng có tí liên quan gì, nhưng đôi khi lại là mấu chốt của đáp án. Thám tử Sherlock Holmes, ám ảnh từng điều lặt vặt của vụ án, từng vết bẩn trên cổ tay áo của con người và những lời vô nghĩa ghi đâu đó trong tài liệu, là ví dụ khá điển hình. Hay Dr. House, bác sỹ thiên tài trong series phim cùng tên, khả năng tìm ra nguyên nhân (kỳ dị và bất ngờ) trong một tổ hợp vô hạn các tác nhân gây ra triệu chứng bệnh lý, là nhân vật vừa đáng ngưỡng mộ vừa đáng thương cảm.
Nói dài dòng như vậy chủ để đưa ra luận điểm là, người có IQ cao thường xuyên có phản ứng trong não với các kích thích từ bên ngoài. Và mặt trái của nó là nếu quá độ, họ đối mặt với một khả năng lớn dẫn đến các rối loạn tâm thần. Càng thiên tài, càng hành xử (có vẻ) giống tâm thần. Chẳng phải thám tử của chúng ta là một con nghiện hay vị bác sỹ thông thái kia là một dạng bệnh hay sao?
Đến đây chuyện tầm phào có thể kết thúc nếu ta không cố tình liên kết nó xa hơn: Trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo (AI) được con người “tạo ra” để làm gì? Chẳng phải là để thu thập càng nhiều càng tốt những con số, sự kiện, diễn biến… để rồi đưa ra kết luận, giải pháp để giải quyết vấn đề hay sao?
Cỗ máy AI kia một khi phát động thì “nhạy bén” gấp nhiều lần một con người, có thể nói không từ một dữ liệu nào mà không nạp. Rồi đưa vào “não” của nó, học, học, học và xử lý. Theo quan điểm ở trên, sự dung nạp này chắc chắn dẫn đến các ý kiến và suy nghĩ dạng “tâm thần”. Đặc biệt nếu để AI ra quyết định liên quan đến cuộc sống và sinh mạng người, thì do cảm xúc không có, rất dễ gây bất lợi cho con người.
Trí tuệ nhân tạo chính là dạng IQ cực cao mà con người mong có cho mình. Dùng AI đánh giá để tự sa thải nhân viên nhưng người trung thực bị loại. Dùng AI nhận diện khuôn mặt, người vô tội thành khủng bố… Tất nhiên sau đó con người phải can thiệp nhưng mà buồn cười thay, con người phải đứng ra dọn dẹp sau AI có phải là ngược với mục đích đặt ra?
Chuyện phiếm vẫn chưa kết thúc. Giả dụ con người có thể khống chế và thuần hóa bộ não IQ khủng như thế, vậy chúng ta may mắn. Ngược lại, thật thảm họa cho loài sinh vật tự vỗ ngực đỉnh cao. Lịch sử nhiều năm nữa có ghi lại nổi hay không, một giai đoạn tồn tại ngắn ngủi của loài người?
Và khi đó, chắc chắn phải ghi nhận tác nhân đầu tiên của sự tự diệt. Không phải khi nào, mà là người nào. Người đó là ai?
Vậy lại phải nói làm sao có AI? AI là do con người “lập trình”, không có các đoạn mã, các thuật toán, các bản ghi dữ liệu thì nó hoạt động “vào mắt” à? Cho nên phải tìm ra người đầu tiên tạo ra việc “lập trình”.
Thế lập trình là gì? Là viết các câu lệnh để một cái máy (nhớ là cái máy nhé) thực hiện. Lần ngược lại lịch sử, người ta phát hiện ra đó là một… phụ nữ. Là người đầu tiên cố tình xây dựng một cái máy và các câu lệnh để nó tính cho ra các con số trong một dãy số học, với hy vọng tương lai cái máy ấy có thể chơi nhạc.
Có vẻ giống Van Gogh, bà qua đời rồi người ta vẫn chưa công nhận có thể làm ra cái máy như thế.
Trên mạng họ nói rằng bà là Agusta Ada Lovelace, vẫn gọi là Ada, sinh năm 1815. Ada về sau là tên một ngôn ngữ lập trình. Chơi chữ thì Artificial Digital Assisstant – một trợ lý số nhân tạo, một nhân vật thường thấy trong các phim giả tưởng khoa học hoặc về AI.
Hay thật, thành công đâu thì bà không hưởng mà tội vạ đâu thì lại phải chịu.
*