
Để hiểu về đồng tiền ảo như Bitcoin, Ethereum hay Libra, phải biết về công nghệ tạo dựng chúng: Blockchain. Công nghệ này thực ra không chỉ để tạo ra tiền ảo mà còn được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như sản xuất, y tế, xây dựng v.v… Nông dân nhất là hiểu nó gồm 2 phần: Block và Chain. Block nôm na là “khối” – đại diện cho một thông tin giao dịch, còn Chain thì cũng nôm na là “dây xích”, mà xích thì là nhiều mắt xích, mỗi mắt xích là một “khối”. Quá đơn giản nhỉ?
Hãy nói về một giao dịch chuyển 100 đồng từ anh A sang chị B.
Hiện nay, giao dịch thanh toán số là công nghệ Block-Block. Đầu tiên A tạo ra một khối – ở đây là 1 phiếu yêu cầu chuyển 100đ cho B. Công cuộc này cần có kẻ trung gian, ở đây là Ngân hàng C. C sẽ nhận phiếu, kiểm tra xem A có là A không, A có tiền không, rồi chấp nhận giao dịch, trừ tiền của A, và sau đó tạo 1 khối (phiếu giao dịch) khác và ghi có vào tài khoản của B. Giao dịch hoàn thành! Như thế thì sao? Có nhiều vấn đề lắm đó, ít nhất 7 điểm:
1. Giao dịch lúc nào cũng cần đến bên thứ 3 là anh C. Giao dịch công khai trời biết, đất biết, ngân hàng, biết chính quyền biết…
2. A mất thời gian chờ C xác nhận, gọi là xếp hàng giao dịch. C ốm thì nghỉ giao dịch.
3. A hoặc B có thể mất phí giao dịch cho C.
4. C đôi khi không đáng tin, có thể ghi nhầm giao dịch, nhầm số tiền, nhầm cả người nhận…
5. Giao dịch hoàn thành rồi, nhưng tương lai… lúc nào cũng có thể sửa đổi cái bản ghi ấy, từ các chi tiết tên tuổi đến số tiền… Xóa dấu vết. Thật!
6. Đang giao dịch với C, thông tin có thể bị rò rỉ, bị thằng khác nghe trộm hoặc bị sửa đổi giữa chừng.
7. C mà bị bệnh thần kinh quên hết mọi thứ thì toi đời, hỏng hẳn.
Vì thế, đồng tiền ảo sử dụng công nghệ Block-Chain ra đời để “khắc phục” những yếu kém kể trên.
1. Không cần C, A giao dịch đồng đẳng với B trên mạng toàn cầu. Giao dịch là bí mật, thế nhưng cần một đám đông khác, từ ăn mày, nghệ sỹ đến thương gia… xúm vào giúp.
2. Đám đông các anh chị kia sẽ xác nhận giao dịch của A và B. Đám ấy đông đến mức nếu vài anh ốm lăn quay thì cũng không ảnh hưởng đến tiến trình. A không phải “đợi”.
3. Phí giao dịch sẽ nhỏ đi hoặc không cần đến.
4. Một khi được xác nhận, cực khó có thể thay đổi thông tin của giao dịch, kể cả hacker. (Sẽ trình bày sau).
5. Thông tin giao dịch mỗi anh chị nắm một khối tí teo, nên anh chị ấy chẳng biết ai đang chuyển tiền, chuyển bao nhiều và chuyển cho ai. Thật!
6. Mỗi một khối (block) lại được nhiều anh chị lưu, cho nên nếu vài anh chị bị bệnh quên thì đã có bản sao từ các anh chị khác còn tỉnh táo.
Chính vì phân tán việc xác nhận giao dịch như trên, từ một “khối” của A thành các khối nhỏ hơn trên toàn mạng, sau khi các nhóm khác nhau xác thực, các khối kia lại được chuyển về hợp lại thành một khối như ban đầu và gắn thêm vào tập hợp các khối đã tồn tại, chính là Chain. Block được gắn vào đuôi của Chain. Chain giống như quyển sổ ngân hàng, mặc dù được ghi ở đấy công khai nhưng cũng chỉ có A và B đọc được giao dịch kia.
Bí mật – Nhanh – Chính xác – An toàn – Tin cậy – Rẻ – Bất biến: Chúng ta còn muốn gì hơn?
Điều đập vào mắt ở đây chính là vai trò của bên thứ 3 không còn nữa. Nào, Bitcoin – một đồng tiền phi ngân hàng, phi chính phủ, bí mật vô cùng. Muốn phản loạn à? Rửa tiền hả? Giao dịch thế giới ngầm? Nếu tính tài sản bằng Bitcoin thì ai là triệu phú? Biết được không?
Vì thế “họ” truy lùng cái người được cho là tạo ra đồng tiền ấy – Satoshi Nakamoto. “Hắn” tạo ra tiền, thì liệu hắn có thể in tiền như các chính phủ không? Hắn có bao nhiêu Bitcoin? Như thế sẽ là tỷ phú hay tỷ tỷ phú? Nhiều tiền để làm gì? Các lực lượng lớn đều rất sợ kẻ có nhiều tiền vì nhiều quá nhiều tiền sẽ có khả năng khuynh đảo mọi lĩnh vực, mua được mọi thứ từ hàng đến người. Còn ai hiểu rõ giá trị của tiền bằng các ông ngân hàng, tài chính và chính phủ?
Giờ đến đồng Libra, thay vì một kẻ lẩn trốn huyền thoại Satoshi chúng ta có anh Mark, sẽ là vua của các vua, mặc dù với Libra, FB khiêm tốn nhận phần bé. Nói gì thì nói, nắm trong tay thuật toán tạo ra đồng tiền ảo tương tự Bitcoin, nếu được chấp thuận rộng rãi thì quyền lực cỡ nào? Ban điều hành Libra (FB và mấy anh Visa, Uber… nữa) ở Thụy Sỹ khác gì Bộ chính trị?