
Hắn nhiệt liệt đề nghị giáo dục lấp lỗ hổng cho học sinh từ tuổi càng sớm càng tốt.
Những cái nôi đào tạo đều giương khẩu hiệu: vì những gì tổ quốc cần, à, xã hội cần. Theo họ, xã hội cần kỹ sư, bác sỹ v.v… ngành này nghề nọ.
Nhưng mà những nhân lực này có còn hiệu quả không khi:
– Anh (cô) ta lúc nào cũng chìm ngập trong lo lắng và căng thẳng về tiền bạc, nợ nần?
– Anh (cô) ta luôn gặp khó khăn và đổ vỡ trong các mối quan hệ với người chủ, người làm, đồng nghiệp, bạn bè?
Đó chính là lỗ hổng hết sức nghiêm trọng, tương đương với thiếu hụt hai chỉ số fQ và eQ.
Học sinh thuộc định lý Pitago, giải được phương trình sin-cos, đạo hàm… mà không biết cân bằng thu chi, tính lãi suất tiền vay… để rồi lớn lên, đưa ra những quyết định tài chính sai lầm, tự đẩy mình vào thế kẹt.
Sinh viên bảo vệ các luận án công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến nhưng không thể hiểu ý của người đối diện, thậm chí còn không gọi tên được cảm xúc của chính mình, làm cho các mối quan hệ nhầm người, nhầm lúc… thì hợp tác với ai cho được?
Những lỗ hổng nguy hại này từ bé sẽ ăn vào ý thức của cá nhân, để lại tác hại lâu dài cho cả thế giới.
Ngay cả nếu ta cho rằng tiền bạc quyết định hạnh phúc, tình cảm quyết định mối quan hệ thì ta vẫn đúng, không thể để chỉ số thông minh về tài chính và cảm xúc thấp lè tè được.
Chi bằng học!
Học từ nhỏ đi.
Lớn thì ôn tập lại.
Và yêu cầu họ bớt Toán Lý Hóa Sinh… thêm vào hai môn Nhập môn Tiền bạc và Tình cảm Đại cương, được không nhỉ?