Press ESC to close

MẮNG

Từ khi quay lại Facebook, lang thang qua những bức tường với đủ sắc mầu, mình nhận thấy có rất nhiều sự thể hiện khác nhau.

Câu hỏi mình tự vấn là tại sao mọi nguời lại như vậy? Có niềm vui, có khen ngợi, có thở than, có cả những lời rủa xả ác nghiệt… đa dạng lắm. Phải chăng trong lòng mình đầy ứ những gì thì sẽ tuôn ra cái đấy? Hay đấy là cái mặt nạ dành cho một cái tôi khác với con nguời ẩn nấp sau bàn phím kia?

Mình không biết và thực ra không cố giải thích cho điều này. Nhưng có lẽ đó là một mảnh nhỏ xíu của một cuộc đời lớn hơn.

Mỗi khi đọc một câu chuyện cổ tích, chúng ta thường quan tâm đến nội dung và hiển nhiên chẳng ai nghĩ ngợi gì về “nguời đã kể chuyện đó”. Vì không biết họ là ai.

Nhưng mình đã có lúc nghĩ lan man đến đấy.

Có một mẩu chuyện cũ về một gia đình đôi vợ chồng với hai đứa con. Một ngày họ bàn nhau mang lũ trẻ bỏ vào trong rừng vì không nuôi được. Vì sao không nuôi được thì mình nhớ là nghèo quá không đủ ăn. Thằng anh biết vậy nên thủ sẵn sỏi và rắc trên đường đi vào rừng. Nhờ đó mà sau khi bị bỏ lại, hai đứa dắt nhau mò về nhà được. Tuy nhiên, lần khác không may mắn thê,́ vì mải chơi thằng anh quên mang sỏi theo trong khi con em chỉ có cái bánh mỳ bố mẹ cho.

Hồi bé đọc đến đoạn vụn bánh mỳ làm dấu bị bọn chim ăn mất làm mình bật khóc nức nở. Lúc đấy căm ghét lũ chim và cả những mẩu bánh tuyệt vọng làm sao.

Có nhiề́u câu hỏi đặt ra như tại sao lại phải dẫn trẻ con vào rừng sâu và để chúng lạc lối? Tại sao lại bớt đi miệng ăn trẻ con để bố mẹ đưọc ăn no? v.v… Đấy là vì chúng ta đọc truyện nhập tâm vào trong đó mới hỏi thế.

Còn giờ, đứng ra ngoài có thể hỏi: ai là nguời kể câu chuyện như này? Kể như thế có mục đích gì?… Đấy là khi ta băt đầu quan tâm đến nguời kể chuyện.

Nói về nguời kể chuyện (đầu tiên), nếu không trải qua hoặc chứng kiến thì sao có thể nghĩ ra?

Mình biết là cuộc sống của ai và ở đâu cũng có khắc nghiệt và đôi khi bức xúc không chịu nổi, phải xả!. Kiểu như đôi vợ chồng trong chuyện kia nếu hàng ngày mắng nhiếc lũ trẻ biết đâu sẽ không quyết tâm bỏ chúng trong rừng cho hổ ́ăn thịt?

Nhưng nói gì thì nói, vết thương trong lòng lâu lành lại hơn vết ở trên da nhiều.