
Mỗi người có mặt trên trái đất này đều có một cái nghiệp. “Nghiệp” không chỉ đơn giản là một, mà nó thường có nhiều tầng lớp, cũng như những giai đoạn khác nhau trong tổng thể một cuộc đời. Cuộc sống diễn ra, nếu đúng như nó phải thế thì anh phải xé bỏ từng lớp nghiệp ấy để biến nó thành sự thật, thành cuộc sống. Nếu không thành sự thật, nó sẽ mãi đeo bám dai dẳng cho đến lúc anh phải tiếc hận.
Câu hỏi thường đặt ra là:
1. Làm sao xác định được một nghiệp?
2. Lúc nào thì hành động?
3. Hành động như thế nào?
Đầu tiên phải khẳng định, nghiệp của một con người là khái niệm trừu tượng. Lúc đầu nó không phải là một giấc mơ rõ nét, không phải là một bản đồ chi tiết, không phải một lối đi có biển chỉ đường.
Thế nhưng ta không cần đi tìm nó, mà nó sẽ tìm đến ta.
Một người muốn biết điểm bắt đầu một nghiệp mới thì điều kiện quan trọng nhất, mà cũng hết sức trái ngược với nhận thức, là lúc anh ta ở trạng thái hoàn toàn không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Nếu anh ta biết, thì anh ta đã làm, tức là đang dở nghiệp cũ. Ngã ba đường, ngã tư đường… và thực sự là chẳng biết phương hướng. Đấy chính là thời điểm bắt đầu một thời kỳ không biết mình sẽ phải làm gì và đi tiếp đến đâu. Lúc ấy, chỉ có một việc duy nhất phải làm là chờ đợi. Đừng đi.
Chờ đợi điều gì? Chờ đợi một mục đích, một hình ảnh nổi lên. Sẽ không rõ phải chờ bao lâu, nhưng nhất định phải chờ, tuyệt không nên xao nhãng cho những việc khác. Nếu anh ta có niềm tin, mục đích mới sẽ nhất định xuất hiện.
Giả như anh ta đang ở trong một nghiệp khác, tức là đang làm một việc gì đó, một nghề gì đó, một dự án nào đó… đột nhiên thấy nhàm chán, cảm thấy có thể từ bỏ việc đó, dự án đó mà không hề hối tiếc, không hề sợ sệt. Đấy chính là trả lời cho câu hỏi số 2 ở trên.
Bỗng nhiên thấy rõ ràng, nhẹ nhàng, không bối rối, không nặng nề, thấy tự do, thấy nhiệt huyết, thấy có năng lượng… để mà từ bỏ cái đang làm, ừ, cái nghề đang làm ấy tự nhiên thấy quá dễ dàng, quá ngớ ngẩn, ta làm thừa sức vậy tại sao lại làm? Đó là thời điểm kết thúc của một lớp nghiệp cũ và đón chào nghiệp mới.
Bây giờ, hình ảnh đã hiện lên trong lúc ta chờ đợi, dù nó chỉ là một cái nhìn mơ hồ về tương lai, nhưng nghĩ mà xem, nó từ đâu ra? Nó từ chính tâm trí của ta, vậy thì sao không tin vào nó? Không tin vào nó thì tin vào cái gì bây giờ? Hãy bám lấy nó, đi theo nó và làm theo nó. Sai thì sao? Hỏng thì sao? Việc gì lúc đầu chả thế? Đối với một người, nhất thiết phải dùng toàn bộ tâm lực mình cho cái nghiệp mới đấy, ném tất cả các quân bài ra bàn, không giữ lại gì hết, nếu thực sự muốn sẽ bỏ xóa nó để biến nó thành sự thật cuộc đời.
Điều này có ý nghĩa rất đáng sợ và đớn đau: Anh ta phải từ bỏ dạng thức sống trước đây. Tức là, khả năng phải thay đổi thậm chí hoàn toàn cuộc sống hiện có. Phải sẵn lòng làm việc này, bằng không… sẽ không có gì thay đổi, nói như câu thành ngữ: “Thật ngu xuẩn nếu cứ làm theo cách cũ và hy vọng có kết quả mới.”
Tại sao gọi là chu kỳ? Bởi vì như đã nói ban đầu, nghiệp có nhiều lớp, xé lớp này sẽ đến lớp khác, tương ứng với từng thời kỳ của đời người. Đây là những chu kỳ tự nhiên, hết sức tự nhiên, để một người cảm thấy đời mình viên mãn. Ta sẽ yêu cái ta làm, và sản sinh ra tình yêu trong những việc làm ấy, trong những quan hệ với mọi thứ liên quan.
Mà chả lẽ ta không thấy đó mới chính là tình yêu cuộc sống, chứ không phải những lời khen tụng hay sao?
*