Press ESC to close

RƯỢU VÀ SAY

(Ảnh sưu tầm)

Nếu giáo dục cho trẻ em có câu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì lĩnh vực giải trí cho người lớn cũng có: “Mỗi lần uống vào là một lần vui”.

Trước tiên hãy bình tĩnh. Đấy là ý tứ về rượu của các bậc thánh hiền. Họ nói không sai đâu, chỉ có chúng ta nông cạn, không thấu triệt được nên cứ nghĩ là phải uống thì mới vui, phải vui thì mới sống.

Để “rộng đường dư luận”, tôi tuyên bố là mình không hiểu gì về rượu, không biết nguồn gốc, nguyên liệu, quy trình chưng cất và cách uống. Đó là một con voi khổng lồ. Tôi chỉ… sờ cái đuôi thôi. Đồng thời, tôi cũng xin tự xác nhận là mình không hề nát rượu, vì chẳng thường xuyên uống bao giờ. Nhưng tính năng của rượu thì tôi biết.

Cái đuôi của rượu là say.

Trong 100 người đàn ông thì như bạn biết đấy, cũng có khoảng 10 người mặc váy. Mặc váy chẳng qua vì lý do kỹ thuật thôi chứ họ vẫn đàn ông. Mà họ mặc váy cũng đẹp, như người Scotland. 90 người còn lại tập trung vào nhau thì rượu không thể thiếu. Một số kha khá trong chúng ta có chút nhút nhát, tự ti, sống bình thường không luyện được cảnh giới cần thiết, lại bị xã hội dìm hàng nên cảm thấy bó buộc vô cùng.

Chỉ cần một vài ly thôi, mọi hàng rào có thể được nhấc lên để chui qua. Anh ít nói thì hùng biện vung tay vung chân hơn cả luật sư trước tòa. Anh hiền lành thì trở nên mạnh mẽ, hổ báo chả sợ bố con ai. Anh vui tính bỗng chốc khóc than cay đắng hơn cả ăn mật gấu xào xả ớt… Nếu bạn không tham gia bữa nhậu ấy, bạn không biết thế nào là “loạn”. Loạn ở đây là loạn tính cách chứ họ vẫn lịch sự khề khà vậy thôi.

Nhưng thế chưa gọi là say. Vậy say là như nào? Để dành cho bạn một sự hẫng hụt, tôi xin trả lời luôn: muốn biết như nào thì chỉ có cách là mình đi uống. Chấm hết.

Thế thì viết cái này làm khỉ gì?

Đã bảo bình tĩnh rồi mà.

Biết bao người nhờ rượu mới có ngày nay. Có chàng yêu câm nín mấy năm không dám thổ lộ – giờ đã êm ấm gia đình (với một cô khác). Anh thì bất mãn bị trù dập mà cứ phải tiếp tục đến cơ quan, không dám đưa đơn bỏ việc – giờ thành ông chủ (hiệu tạp hóa) hoành tráng. Rồi có ông mất ngủ vì karaoke nhà hàng xóm, ngại ngùng vì bên ấy có thằng con trọc đầu xăm trổ – giờ đã có những giây phút yên tĩnh (trong viện). Là nhờ say cả đấy.

Mỗi lần uống vào là một lần vui!

Đúng vậy, ẩn hiện trong câu ấy là những ý tứ tuyệt vời.

Thứ nhất, khi buồn thì đừng uống. Có nhớ câu “Rút dao chém xuống nước nước càng chảy xiết…” không?

Thứ hai, uống khi đang vui nhưng đến khi bắt đầu cảm thấy buồn thì nên dừng lại. Lúc ấy là say rồi, tiếp nữa chỉ tổ phí rượu.

Thứ ba, uống là uống vào chứ không phải uống ra. Say tới bến là đẹp, đừng gọi bạn Huệ, bạn ấy không thích đồ nhậu trong dạ dày đâu.

Thứ tư, rượu ngon phải có bạn Hiền. Nếu không có bạn nào tên Hiền, đừng uống. Cũng không được uống một mình vì “Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn”.

Thứ năm, uống hết sạch chỗ rượu đang có sẽ mất vui, vì “Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say”.

Thứ sáu, Yeah! Hôm nay là thứ sáu. Viết thế thôi.

Bonus thêm: Say làm bộc lộ bản tính bị che đậy hàng ngày, bộc lộ nhân cách thứ hai trong cùng một kẻ mà bạn tưởng là đã biết. Vì thế, nếu bạn thấy một anh chàng không phải nhà thơ mà làm thơ, nghĩa là hắn đang say. Hoặc một tay bình thường hến ngậm miệng mà viết linh tinh vớ vẩn, thì hắn cũng đang say. Say thì các bạn đừng chấp, nhé?