
Trước giờ ta hay nghĩ tai nạn xảy ra với thân thể. Nhưng không nhiều người biết là nó cũng xảy ra với tâm lý. Nói cho sang mồm, thì gọi là “sang chấn tâm lý” hay chấn thương tâm lý.
Có nhiều điều (mà ta cho là) rất đáng kinh ngạc vẫn xảy ra hàng ngày ở xung quanh. Trước tôi có đứa bạn, yêu một cô rất xinh, trông như người mẫu, được vài bữa nó đá. Sau đó đến một cô rất giỏi, nghe nói là chủ chuỗi nhà hàng ở nhiều nơi, thế mà rồi nó cũng cho ra rìa. Cô người yêu tiếp theo cũng chung số phận. Bạn bè đều hết sức ngạc nhiên và chẳng ai biết nó nghĩ gì.
Cái trong đầu người khác làm sao mình giải thích được cơ chứ? Nhưng ít ai biết là cậu ta bị tổn thương rất nặng, tình yêu đầu tiên như mơ của nó đã phũ phàng với nó, phải chăng cậu ấy muốn trả thù?
Cái đó đáng gọi là sang chấn tâm lý hay chưa? Vậy cái này đi: một hôm người bạn cũ phát hiện bị khối u trong người. Cuộc sống tươi đẹp là thế đột nhiên u ám mờ mịt. May cuối cùng sau khi điều trị vài năm đã khỏi, nhưng từ một người thét ra lửa và khá khó gần, bạn ấy đã thành một người rất vui vẻ và dễ tính vô cùng, tại sao?
Người ta nói trong đời người, trung bình ai cũng bị “tai nạn” tâm lý khoảng 5 đến 6 lần, nặng nhẹ khác nhau. Một người thân bất ngờ qua đời, mất việc khi đang ở đỉnh cao, bị hành hạ khủng bố dài ngày… tất cả đều để lại sang chấn tâm lý.
Và đây, đâu chỉ ở mức độ trải nghiệm cá nhân, nhiều chấn thương còn tác động đến hàng loạt, thậm chí cả một lớp người, một thế hệ. Chẳng hạn, những người nghèo khổ, nô lệ, sống tăm tối, khổ cực. Nhưng một hôm, mặt trời chân lý chói qua làng quê, họ liền tham gia bạo lực cách mạng, cuộc đời đổi thay, từ nô lệ thoắt cái lên làm ông chủ. Và chúng ta không nên ngạc nhiên rằng, những gì ông chủ cũ đối xử với mình được họ (tán thành) đem đối xử lại tương tự.
Bạn biết vì sao một người tìm cách vơ vét bằng mọi giá không? Có bao giờ bạn nghĩ rằng, đó chính là những người vốn có cuộc sống rất cùng khổ? Không hẳn đâu, có thể họ chính là những người vốn được hưởng sự sung túc, nhưng rồi bị ném xuống tầng lớp đói nghèo, thiếu thốn… và chấn thương này sẽ khiến cho họ coi việc kiếm tiền còn khẩn thiết hơn rất nhiều những việc “nhân văn” khác.
Nói vậy, cái gọi là sang chấn tâm lý là những cái đồng hành cùng chúng ta, đó là điểm khởi đầu, một ngã rẽ cho cuộc sống về sau. Có thể nhìn như một cái nút thắt ở đâu đó. Khi gặp vấn đề, thì vì cái nút thắt nên cách xử lý của ta không “trôi chảy” như những người khác. Muốn xã hội coi là bình thường thì phải cởi nút ra. Ai cột người đó cởi. Tự cột thì tự cởi thôi.
Nhưng, đời ta ta cứ sống?