Press ESC to close

TẠI SAO TRỜI XANH THẾ?

Trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng có lần phải trả lời các câu hỏi “Tại sao?”. Xét lịch sử cổ đại lẫn cận đại, ngoài loài người ra thì không loài nào khác bị hỏi như thế, từ cỏ cây, hoa lá đến các sinh vật biết bay hay biết bò.

Đối với con người, trừ câu hỏi hóc búa kiểu mộng du “Ta là ai?”, còn lại là tập các câu hỏi gây nhức đầu bắt đầu bằng “Why?”, tức là “Tại sao?”.

Tại sao lại thế? Bởi vì để trả các câu hỏi khác bạn chỉ cần liệt kê, ví dụ: anh ở đâu? (kể tên địa điểm); anh đi với ai? (kể tên thằng bạn), anh làm gì? (kể tên việc đã thực hiện)… thậm chí loại câu hỏi khó hơn một chút là “Như thế nào?” thì cũng chỉ cần liệt kê bằng gạch đầu dòng, chẳng hạn: Nấu cơm như thế nào? Giải bài tập này như thế nào?…

Còn mớ câu hỏi “Tại sao?” rất là mệt mỏi vì muốn trả lời phải có kiến thức kết hợp của các dẫn chứng, sự kiện, hiện tượng, lý lẽ, suy luận và cảm nhận.

Đây, nếu một hôm thằng nhóc nhà bạn bâng khuâng nhìn lên trời và hỏi: “Tại sao trời xanh thế?” thì để đáp lại nó với tư cách của một người lớn nghiêm túc, hãy nhìn thẳng vào mắt nó và nói:

“Đó là bởi vì các hiệu ứng lượng tử liên quan đến các tia tán xạ trong không khí khi thiếu vắng các tế bào cảm thụ phô tôn màu tím ở trong võng mạc của chúng ta”.

Nhưng nếu thấy khó khăn quá, chúng ta có thể né tránh công cuộc này một cách đơn giản mà kho tàng truyện cười Việt Nam có ghi lại rất chi tiết. Mọi câu hỏi tại sao đều giải đáp được bằng một lời ngắn gọn:

“Trời sinh ra thế!”.

*