Press ESC to close

TẢN MẠN PHÂY

Buổi sáng trên đường đi làm, như một thói quen cố hữu, hắn lấy điện thoại ra mở phây lên xem. “Bất biến duy nhất là thay đổi” – một trong các thứ hắn đọc là như vậy. Câu này chả có ý nghĩa gì.

Khi đi qua một hàng rào có hoa leo màu tím mọc, hắn nhét điện thoại vào túi và tự hỏi: ủa mình hay đọc phây từ xưa rồi, sao lại bất biến lâu vậy? Với một người, bản chất rất khó thay đổi, cái này tạm chấp nhận. Nhưng nếu hành vi và thói quen cũng không thay đổi, thế là sao?

Vậy thì phải hỏi là nếu mình không đọc có được không? Được quá đi chứ. Nhưng vẫn làm. Vì từ lâu nó đã như thế. Khi bắt đầu việc ấy mình đã thích nó, vì muốn cập nhật thông tin. Khi không có gì khác, thì mình cũng chẳng cần thay đổi thói quen làm gì.

Nhưng các bản tin có thay đổi không? Sao lại không, nó biến thiên nếu không nói là rất nhiều. Như con ếch trong nồi nước đun nhỏ lửa, nhiệt độ tăng từng độ một thì chẳng cảm thấy gì, cho đến khi nước sắp sôi mới cuống lên. Để phát hiện ra điều này, thì hắn phải có cái mốc mà so sánh.

Nếu quay về nhiều năm trước, mạng xã hội của hắn chỉ gồm chưa đến vài chục mống. Có những hôm khi login vào xong, thông báo hiện ra là “Các bạn của ngươi không có cập nhật gì mới”. Họ không viết gì cả, nên hắn chuyển qua việc khác trên máy tính. Hẳn là vui nếu có ai đó viết cái gì đó, khi ấy mọi người sẽ xúm vào cùng đọc. Và tất nhiên, người viết không viết những gì như một bài báo, tức là họ không làm cái việc “chia sẻ” tin tức từ các trang tin. Không “share”.

Như vậy có thể nói, những bài viết kiểu ấy hoàn toàn là cá nhân, mà khi quan tâm đến cá nhân một ai đó thì nó tạo một thứ tình cảm giống như tình bạn. Những câu chuyện ấy, những suy nghĩ ấy là của riêng họ cơ mà, không phải của cả cái xã hội này.

Đến khi hắn “quen với thói quen” thì cũng phát sinh việc tiếp theo là “đói”. Nếu có quá ít bài viết thì chán nhỉ? Mình lại phải đi tìm thú vui khác. Thế là một bên mạng xã hội tìm cách của nó, hắn tìm cách của hắn. Hắn đi thêm bạn. Nếu không ngại ngùng với những người không biết ở đâu ra, thì đơn giản là đi tìm “bạn học cũ”, “đồng nghiệp cũ”, “bạn của bạn” để kết nối. Từ vài chục, vèo cái lên vài trăm “bạn” ngay. Mà hắn không làm thì cũng người khác họ không “đói” sao? Họ gửi lời mời kết bạn cho hắn. Thế ta gọi là “bùng nổ” mạng xã hội đấy.

Sự bùng phát này lại làm thay đổi nội dung đọc. Thay vì gấp điện thoại vì không có ai viết bài, giờ này số bài “phải đọc” là một con số lớn, có khi cả trăm! Đọc không xuể! Đọc chán chê! Đọc mê mỏi!

Ngấy! No quá!

Hết thời bao cấp đói ăn đến lúc mắc bệnh béo phì. Lại giảm cân. Ăn cái gì chọn lọc thôi nhỉ? Hải sản hay tào phớ? Thịt nướng hay sa lát? Mà trong cái mâm ngập ngụa thế, bỏ qua món nào? Thế rồi cũng bỏ qua được, kiểu nhìn không thích thì next! Nhưng chưa xong nhé, hàng trăm bài viết nếu là “của họ” thì còn được, nhưng họ lại đi thu gom từ chỗ khác về rồi bày lên mâm, tuy ngon đấy nhưng mất đi tính cá nhân đặc thù, là món của đầu bếp nấu chứ họ không nấu. Nếu hắn muốn ăn thì đến quán 5 sao mà thưởng thức chứ cần gì bưng tận miệng thế?

Vậy phải làm thế nào? À, bỏ bớt “bạn”.

Sự thay đổi này lại tiếp tục dẫn đến hệ luỵ cũ: ít bạn viết thì ít cái đọc, rồi hắn nhanh lướt qua mạng xã hội để đi làm việc khác. Nhưng muộn rồi. Mạng xã hội không cho hắn cơ hội xao nhãng như thế. Các đồng chí không viết? Vậy tôi tạo hội nhóm sở thích. Thế là hàng ngày lại có trăm bài tha hồ. Bạn tham gia hội cá cảnh 5 nghìn hội viên? Bạn tham gia fan page của một nữ ca sỹ thần tượng 100 nghìn thành viên? Xin thề là bạn sẽ không bao giờ thiếu cái để đọc. Hãy nhớ là trong hội, chỉ cần vài chục hoạt náo viên thôi, không khí sẽ không bao giờ trầm lắng.

Rồi cũng đến lúc hắn nhức đầu. Không hẳn vì quá nhiều bài để đọc, mà bản chất của đám đông trong các hội là chia rẽ. Hắn yêu chó nhưng có mấy đứa khốn kiếp cứ viết bài đăng ảnh các món ăn nhân danh tự do ngôn luận, tự do ảnh luận. Thế rồi hắn bỏ hội.

Trở về máng lợn.

Cũng không ăn thua. Mạng xã hội đã phát triển đến mức trên cả thông minh. Nó không để hắn cô đơn thiếu thốn.

Hôm nay hắn mở phây lên, chả có mấy người viết bài đáng đọc, nhưng sao thế này? Vẫn hàng trăm bài viết các loại. Nó hiểu hắn, nếu trước kia hắn từng tham gia cái hội “Yêu máy bay” và rời đi vì trong đó lắm kẻ cổ vũ chiến tranh thì nó vẫn nghĩ hắn thích máy bay, nó sẽ tự đưa các bài viết, hình ảnh về máy bay các kiểu cho hắn xem mà không hỏi han ý kiến. Thậm chí chẳng may hắn buột mồm nói thèm nước dừa thì than ôi, một lúc sau là ảnh những cây dừa trĩu quả, các shop bán nước dừa đóng lon thi nhau chào mời.

Bạn thấy chưa, mạng xã hội quá tuyệt phải không? Nói ra xấu hổ chứ hàng trăm lập trình viên đẳng cấp, lại nhồi vào đó trí tuệ nhân tạo thiên tạo thì tính ra, mạng xã hội khôn gấp tỷ lần hắn, và chắc chắn khôn hơn tất cả những ai tham gia nó. Không đùa đâu! Mà kẻ thông minh bao giờ cũng dẫn dắt kẻ kém cỏi, đừng mơ chiều ngược lại.

Bằng chứng đâu? Chính là thói quen mãi không thay đổi của hắn.

Cuối cùng, muốn thay đổi thói quen ư? Phải thoát ly thằng thông minh nó đang dắt mũi mình. Nghĩ đến đây hắn hứng khởi, viết một bài tản mạn rõ dài, thầm nhủ mai tao sẽ không lặp lại việc mở phây trên đường đến công sở nữa. Rồi hắn khoan khoái đi ngủ.

Sáng hôm sau, điện thoại thấy thông báo có mấy trăm likes và hàng chục còm. Ngạc nhiên lẫn tò mò hắn bảo thế quái nào lại nhiều thế, rồi mở phây ra xem…

Các bạn biết đấy, nếu đã ngu rồi thì kiểu gì chả bị người ta thao túng? Hắn chỉ còn biết thở dài, hiểu rằng số phận mình đã định. Tự an ủi thôi thì đi theo thằng giỏi, hợp với số đông còn hơn khôn lỏi một mình. Đằng nào thói quen cũng tạo tính cách, rồi đến lượt tính cách tạo số phận – số phận của một con giời trên mạng xã hội.