Press ESC to close

TIÊU THẬP NHẤT LANG

Thỉnh thoảng mình có đọc được một bài viết hay xem một cuộc thảo luận nói về đề tài hết sức rỗi hơi kiểu như: Chúng ta đang sống ở thế giới thật hay ảo? Có phải có kẻ siêu việt giống như Chúa trời đã lập trình tạo ra thế giới này không? Chúng ta có phải chỉ là một nhân vật trong trò chơi giả lập hay không? v.v…

Lần nào cũng như lần nào, mình lại nhớ đến cuốn truyện kiếm hiệp của Cổ Long: Tiêu thập nhất lang (TTNL).

Cuốn này mình đọc lâu lắm rồi, lúc còn là học sinh, nhờ thằng Tuấn vẩu mang đến lớp cho mượn. Nội dung thì mình đã quên gần sạch, vì mọi người chắc biết là kiếm hiệp thì có hàng tỷ tựa sách nổi tiếng hơn và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, có một chương mà mình không bao giờ quên, đó là “Thế giới đồ chơi”. Nội dung của truyện thì không có gì, vẫn là một anh hùng nghĩa hiệp vùng vẫy giang hồ. Nhưng Cổ Long không như Kim Dung, ông viết có cả phần trinh thám nữa: cao thủ võ lâm lại hoạt động như một thám tử.

TTNL – nhân vật chính, võ công khá, được cái có trí tuệ, bình tĩnh và đặc biệt, chỉ số EQ cao. Nó thể hiện ở chỗ trong nhiều tình huống, dù có bị tấn công tinh thần cỡ nào, anh chàng vẫn không biểu lộ phản ứng, nhưng khi cần lại giả bộ làm mình làm mẩy và giả khùng, giả hâm rất ngon lành.

Cái chương “Thế giới đồ chơi” nói về lúc chàng và nàng (người yêu của TTNL) được mời đến trang trại mà trại chủ là một tay cực kỳ cao thủ. Cả hai được mời vào một gian phòng ở đó có bày mô hình về một tòa trang viện cực đẹp và cực tinh xảo. 27 gian nhà như thật, có cây xanh, đèn lồng, sân vườn… chỉ có điều 4 bức tường có cổng và khóa kín. Trong đó còn có một cây cầu 9 khúc bắc qua một dòng suối nước chảy hiền hòa, bên kia có 2 ông già một áo xanh, một áo đỏ ngồi uống rượu đánh cờ nhàn nhã như tiên. Trong một gian phòng có mô hình của chủ nhân cầm quạt múa võ rất sống động, ngoài ra đó đây có các thị tì xiêm y đẹp như mơ, dáng đi rất sinh động thướt tha.

Mà tất cả đó chỉ là mô hình đặt trên một cái bàn!

Chuyện tiếp theo là hai người được mời ăn cơm uống rượu và rượu thì có thuốc mê. Tỉnh dậy, họ kinh hoàng phát hiện khung cảnh xung quanh giống hệt như cái mô hình họ mới xem lúc trước: Mọi thứ là có thật: các phòng, gian bếp, cái cầu, dòng suối… Hai ông già đánh cờ có thật, là hai đại cao thủ võ lâm. Các thị tì là có thật, chào hỏi lễ phép và vâng lời. Đặc biệt trang chủ cũng có thật, võ công kinh người.

Tất cả bọn họ đều sống sung sướng nhưng lại kêu rên đau khổ, bởi vì theo họ, họ bị phép thuật thu nhỏ và nhốt ở cái mô hình này. Không ai phá giải được để thoát ra ngoài 4 bức tường cao với cái cổng có ổ khóa cực to, cực chắc kia.

Nội quy của trang trại: Muốn làm gì cũng được, không có quy chế đạo đức, không điều luật giang hồ. Có thể sống ở đó thoải mái đến già, và đến chết, nhưng không thể đi ra. Tuy nhiên, có một phiến đá thờ, nếu ai dâng cái mình trân quý nhất thì sẽ được thả. Thế nhưng tuyệt nhiên không ai trong cái trại đó làm được, vì cái quý giá nhất là tính mạng, nếu chết rồi thì thoát ra ngoài có ý nghĩa gì?

Còn TTNL, chàng thám tử điềm đạm lại không đau khổ chút nào. Tự do quan trọng hơn hay mạng sống quan trọng hơn? Không phải ai cũng đủ trí tuệ và tỉnh táo để quyết định mà tìm lối ra.

Thế kỷ 21 với chúng ta thực tại ảo không còn là thứ xa lạ, khi ta đồng ý đeo thiết bị và tham gia một thế giới khác có các tương tác và cảm nhận đầy đủ bằng giác quan và ý thức. Nếu thời gian tồn tại trong đó dài, hoặc ta chấp nhận buông xuôi, ngừng tìm hiểu, ngừng suy tư, ta khó mà thoát được sự cầm tù.

Tiêu thập nhất lang là một nhân vật kiếm hiệp bình thường, nhưng qua chàng, tác giả đã phản ánh sự thật mà nhân sinh đến tận bay giờ vẫn còn vật lộn để tìm hiểu: Con người có phải là một trò chơi của đấng sáng tạo hay không?

*