

Một nhà truyền giáo bày một trò chơi cho mấy đứa trẻ trong một bộ lạc Châu Phi. Ông đặt cái giỏ kẹo gần một cái cây và bảo lũ trẻ lùi ra xa. Đứa nào nhanh chân chạy đến trước sẽ được toàn bộ chiến lợi phẩm. Sau đó ông hô “Chuẩn bị! Bắt đầu!”
Thế nhưng bọn trẻ không xuất phát riêng lẻ mà chúng nắm tay nhau cùng chạy đến cái giỏ, sau đó chia kẹo đều cho nhau và ăn rất vui vẻ. Khi nhà truyền giáo hỏi tại sao lại thế thì chúng cùng trả lời “Ubuntu!”
Từ đó có nghĩa là: “Làm sao mình ta có thể vui trong khi các bạn khác buồn?”.
===============
Ubuntu là thái độ sống của một người lúc nào cũng cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và khích lệ người khác, là cảm giác mình không bị đe dọa khi người khác thành công, là tự tin khi biết rằng mình thuộc về một toàn thể lớn hơn, là cảm thấy bị hạ nhục khi người khác bị tra khảo, áp bức.
Cộng đồng với thái độ như thế chào đón kẻ lạ. Chỉ cần anh ta đặt chân tới đấy là được cung cấp nước uống, thức ăn mà không cần xin hoặc mua, vì họ biết rằng đã là lữ hành thì sẽ đói và khát.
Chuyển sang tiếng Anh, Ubuntu là “I am because we are”. Tôi giàu bởi vì chúng ta giàu, tôi buồn bởi vì chúng ta buồn… Năm 2008 Madonna đã lấy câu ấy làm bộ phim tài liệu về AIDS ở Châu Phi và chính cô là người thuyết minh. Trước đó 4 năm, Ubuntu được đặt tên cho một hệ điều hành máy tính dựa trên Linux – một HĐH mã nguồn mở và quan trọng là được “phân phát” miễn phí cho người sử dụng.
===============
Về kinh tế, quay lại chuyện giỏ kẹo. Chúng ta không nên nhầm tưởng Ubuntu là chia đều mọi thứ, tức là cá nhân không cần làm cho bản thân giỏi hơn, mạnh hơn, giàu hơn. Ubuntu là sự quan tâm đến cảm xúc của người khác và việc chia phần đơn giản ấy mang lại niềm vui cho mọi người. Nhưng, sai lầm tệ hại nhất là diễn giải việc phân phối này thành một thứ chủ thuyết ngu ngốc về sự đồng sở hữu tài sản, bình đẳng về giàu sang. Thực tế đó là chia đều sự nghèo khổ và bất công cho tất thảy mọi người.
Nói vui chứ nhóm lợi ích cũng là một dạng giống Ubuntu khi các anh cùng hội cùng thuyền chia chác lợi lộc. Nhưng đáng tiếc là mức độ của nó chỉ dừng lại ở phạm vi cái nhóm ấy. Nó chia sẻ trên sự bóc lột, chà đạp, tấn công vào những nhóm người khác. Thái độ đấy chỉ là Ubuntu cục bộ, nửa vời. Cái tốt nửa vời có khi là một cái ác, phải thế không nhỉ?
Hãy nhìn quanh. Liệu ta có dám mời một người lạ vào nhà khi được dạy dỗ phải đề phòng kẻ gian? Liệu ta có dám chia sẻ công bằng lợi nhuận với một đối tác làm ăn khi luôn được cảnh báo rằng cẩn thận kẻo bị lừa đấy và mình phải lấy phần to hơn? Hay cụ thể ta bước vào thang máy mà không phải đề phòng vì ai đứng vào trong đó cũng là người thôi?
Thương trường là chiến trường. Mà đã là chiến trường thì chỉ có chém giết, hạ thủ chứ không có ai để ý đến cảm xúc và tâm ý của đối phương. Xã hội nào chỉ biết tôn vinh tiền bạc, ai cũng nghĩ đến buôn bán kiếm lời thì Ubuntu chả khác gì Utopia – Một Xã Hội Không Tưởng.
Nhưng này, bình tĩnh mà sống chứ? Thế giới ngoài kia quan trọng một thì thế giới nội tại quan trọng mười. Sẽ đến ngày mọi thứ ngoại thân không còn ý nghĩa gì, đọng lại trong ta sẽ chỉ là một chữ tình, chính là Ubuntu. Muốn có cái gì thì phát tán cái nấy thôi.
I AM BECAUSE WE ARE.